Gieo khát vọng xanh

Buông bỏ để trở về

Tôi đã được gặp cô gái ấy ở TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Gặp Ánh, tôi hiểu thêm “dự án xanh” mà anh Phúc nói chính là tham vọng lớn của cô gái này trong việc xây dựng môi trường xanh bắt đầu từ việc tổ chức trồng cây xanh ở các trường học và khu dân cư.

Ánh nói ý tưởng bắt nguồn từ hình ảnh người dân Ninh Thuận đi vét từng giọt nước để sinh hoạt ám ảnh cô khi Ninh Thuận chìm trong cơn đại hạn năm 2003. Lúc đó, Ánh mới 15 tuổi.

Ninh Thuận là vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng”, được ví như bán sa mạc của Việt Nam. Những năm đại hạn, vùng đất này càng trơ trụi. Nắng làm sông suối cạn nước, hoa màu chết khô, thậm chí mạch nước giếng cũng không còn. Ánh chỉ nghĩ đơn giản là nếu xây dựng được môi trường xanh để giữ nguồn nước ngầm thì trường học sẽ không thiếu cây xanh, nắng nóng sẽ ít ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Nếu vận động được nhà trường và học sinh tham gia trồng và chăm sóc thì chắc chắn cây sẽ phát triển tốt.

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Ánh được học bổng toàn phần đi học thạc sĩ tại Đại học Bourgogne của Pháp. Tại đây, Ánh lấy được 2 bằng thạc sĩ về nghiên cứu độc chất trong thực phẩm và quản lý chất lượng trong công nghiệp thực phẩm, làm việc 3 năm trong nhà máy chế biến thực phẩm Festins de Sologne của Pháp, rồi 4 năm ở công ty phân phối thực phẩm không hóa chất Xanhshop tại TP HCM. Tưởng chừng công việc với thu nhập cao tại TP HCM sẽ níu kéo nhưng không, Ánh chỉ học và làm để nung nấu một ý tưởng khác.

Năm 2016, dù bao người khuyên can, Ánh vẫn quyết buông bỏ tất cả để quay về quê hương Ninh Thuận thực hiện “dự án xanh” ấp ủ bấy lâu. Ánh tâm sự: “Dù công việc và thu nhập ở TP HCM đang thuận lợi nhưng mỗi lần nghĩ đến quê nhà là em lại muốn nhanh chóng về ngay để làm một điều gì đó nhằm xanh hóa vùng đất khô cằn này”.

Lấy ngắn nuôi dài

Ánh quay về Ninh Thuận, nhưng tay không chẳng thể “bắt giặc”. Bấy giờ là lúc kiến thức đã học và kinh nghiệm của những năm đi làm phải được đưa ra để làm ra tiền, nhằm có vốn liếng cho “dự án xanh”. Nghĩ là làm, Ánh bắt đầu từng bước theo chiến lược lấy ngắn nuôi dài.

Thấy quê hương có rất nhiều nguyên liệu để chế biến sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, Ánh thử sức với việc nghiên cứu chế biến sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên không sử dụng hóa chất độc hại.

Phải mất hơn 1 năm nghiên cứu thị trường, Ánh mới quyết định vay mượn các kiểu để đầu tư một cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như: ruốc khô, bột hạt sen, gạo, đậu và chuối dẻo… Tất cả đều sử dụng nguyên liệu do nông dân khai thác ngoài tự nhiên hoặc sản xuất nhưng bảo đảm không dùng thuốc kích thích hay hóa chất độc hại.

Để cơ sở hoạt động liên tục, Ánh lặn lội khắp nơi thu mua nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên; đến tận nương, rẫy để tuyên truyền bà con nông dân về ý nghĩa và cách sản xuất nông sản sạch, rồi từ đó bao tiêu sản phẩm của họ về làm nguyên liệu.

Cơ sở sản xuất của Ánh không cần nhiều máy móc, nhân công cũng ít nhưng để làm ra một sản phẩm không sử dụng hóa chất bảo quản thì phải qua rất nhiều công đoạn, từ ủ, hấp, tách vỏ, xay, sấy, phơi bằng năng lượng tự nhiên. Bởi vậy, có sản phẩm phải qua hàng chục công đoạn mới hoàn thành. Công sức bỏ ra không ít.

Như mưa dầm thấm lâu, sau 2 năm gắn kết với nông dân, giờ Ánh đã có những nguồn cung cấp nguyên liệu khá dồi dào và ổn định. Nông dân sản xuất nông sản sạch cung cấp cho Ánh vẫn có thu nhập ổn định. Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cơ sở chế biến thực phẩm Ông Thắng của Ánh tại phường Phước Mỹ, TP Phan Rang – Tháp Chàm cũng theo đó mà ngày càng mở rộng vì được nhiều người tin dùng.

Từ những thành công ban đầu của việc đưa kiến thức đã học vào thực tiễn, Ánh bắt đầu tích góp được vốn liếng để quay lại với “dự án xanh”. Từ giữa năm nay, Ánh trích thu nhập từ chế biến thực phẩm để mua cây, phân bón và dụng cụ cho việc thực hiện “dự án xanh”, bắt đầu từ các khu dân cư và trường học.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *